Không cần đến smartphone, chỉ cần sử dụng điện thoại “cục gạch”, những nông dân ở vùng núi hay hải đảo vẫn có thể chuyển tiền, mua hàng nhanh gọn.
TTO – “Sang tháng 5 một số nhãn thông báo sẽ tăng nữa, bây giờ chai dầu ăn bán lẻ cũng đã trên 35.000 đồng/chai 1 lít” – bà Trang nói. Nhiều bà nội trợ cho biết đường, muối, bột nêm, mì ăn liền… cũng tăng. Tại sao?
Chi phí cho các bữa ăn, tiêu dùng hàng thiết yếu trong gia đình thời gian gần đây tăng lên đáng kể, do nhiều mặt hàng cùng tăng giá.
Ngoài việc các chương trình khuyến mãi, đẩy hàng tồn kết thúc khiến mặt bằng giá trở về mức cũ thì giá nguyên vật liệu tăng cũng khiến thị trường lập mặt bằng giá mới.
Nhiều mặt hàng tăng giá
Bà Trang, chủ tiệm tạp hóa trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình), cho biết từ tháng 1 đến nay, giá mặt hàng dầu ăn thực vật biến động nhiều nhất, trung bình giá dầu ăn nhập sỉ cũng đã tăng 7 – 9%. Điều đáng nói, giá dầu ăn điều chỉnh liên tục trong những tháng gần đây.
“Sang tháng 5 một số nhãn thông báo sẽ tăng nữa, bây giờ chai dầu ăn bán lẻ cũng đã trên 35.000 đồng/chai 1 lít” – bà Trang nói. Không những vậy, tại sạp này, giá mặt hàng bút, tập vở… cũng tăng vì nguyên liệu bột giấy tăng, giá vật tư composite tăng dù chưa vào cao điểm. Theo nhiều bà nội trợ, không chỉ dầu ăn mà các loại đường, muối, bột nêm, mì ăn liền… cũng điều chỉnh giá.
Đại diện Công ty Mezain Lào, Việt Nam, Campuchia cho biết giá nguyên vật liệu bột mì đã tăng cao thời gian qua, gây áp lực lớn đến giá bán các sản phẩm của hãng.
Dự kiến từ tháng 5, một số sản phẩm nhóm bột như bột mì, bột chiên xù, bột gia vị của đơn vị này sẽ tăng giá 10% (tăng thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào 20%).
Trước đó, trên thị trường các loại bột gia vị, bột làm bánh dùng cho chế biến món ăn hằng ngày của nhiều hãng cũng đã tăng giá từ 7 – 15% tùy mặt hàng.
Nhiều lý do tăng giá
Giám đốc kinh doanh một siêu thị ở TP.HCM cho biết từ đầu tháng 4, hệ thống đã nhận được thông báo của các nhà cung cấp, chủ yếu hàng tiêu dùng nhanh, một số hàng thiết yếu như sữa, bột dinh dưỡng… thì không biến động. Ngoài lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng thì giá cả của nhiều nhóm hàng cao hơn trước đây vì một phần nhiều chương trình khuyến mãi đã kết thúc.
Nhiều hộ chăn nuôi khu vực phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra chiều 2-5 ở mức 71.000 – 74.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó. Tuy nhiên, giá thịt heo bán ra thị trường hiện không giảm, thậm chí nhiều nơi còn tăng so với tháng trước. Cụ thể, thông tin từ chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM) cho biết giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra hiện ở mức 90.000 – 103.000 đồng/kg, tăng 6.000 – 8.000 đồng/kg so với mức thấp hơn 1 tháng trước đó.
Tương tự, theo ghi nhận, giá thịt heo, bò được bán lẻ tại nhiều công ty, siêu thị ở TP.HCM như Co.opmart, Vissan… hiện vẫn neo cao so với bình thường với xương đuôi heo phổ biến từ 120.000 – 135.000 đồng/kg, sườn già heo 145.000 – 158.000 đồng/kg, nạm bò 240.000 – 290.000 đồng/kg…
Giá thịt gà công nghiệp bán lẻ tại nhiều siêu thị cũng còn cao với cánh gà từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 – 78.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP.HCM), cho biết giá thịt gà bán lẻ của đơn vị không giảm tương ứng như giá gà lông (gà khi xuất chuồng) do đơn vị ký hợp đồng thu mua với giá cố định.
Hiện giá nhiều loại thủy hải sản cũng neo cao so với các tháng ổn định như cá ba sa ở mức 45.000 – 55.000 đồng/kg, cá điêu hồng (loại sống) 75.000 – 85.000 đồng/kg, mực và tôm 200.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại…
Giá khó giảm hơn
Ngay cả mặt hàng heo, gà đang trong xu hướng giảm giá nhưng tới đây cũng có nguy cơ tăng giá. Ông Lê Văn Quyết – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ – nhận định giá gà lông đang ở mức thấp nhưng khả năng sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới, có thể vượt mốc 30.000 đồng/kg.
“Thức ăn chăn nuôi chiếm 80% giá thành chăn nuôi nhưng hiện giá đang tăng 20 – 25% so với năm ngoái, giá con giống và thuốc thú y cũng tăng nên giá gà bán ra thường sẽ phải tăng theo quy luật” – ông Quyết nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cho rằng những rủi ro về dịch bệnh, giá thành chăn nuôi heo tăng liên tục từ cuối năm đến nay và hiện trên 60.000 đồng/kg, đặc biệt giá con giống ở mức cao với khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/con khiến người dân ngại tái đàn, cũng ảnh hưởng phần nào đến việc giá heo khó giảm nhanh như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thìn, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp vận tải ở Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết xăng dầu chiếm khoảng 35 – 40% chi phí giá thành vận chuyển. Giá xăng dầu điều chỉnh thời gian qua theo hướng tăng mạnh – giảm nhẹ đã tác động tới giá cước vận chuyển và tạo ảnh hưởng dây chuyền lên giá cả hàng hóa.
“Trước khi điều chỉnh giá, chúng tôi đều cân nhắc và cố gắng cắt giảm chi phí rất nhiều. Nhưng sang tháng 5, chúng tôi buộc phải điều chỉnh phí vận chuyển và sẽ thông báo với các đối tác ít nhất trước 2 tuần” – ông Thìn cho hay.
Than trời khi xây sửa nhà
Nhiều gia đình đang xây dựng, sửa chữa nhà than trời vì nhà cung cấp thông báo tăng giá nguyên vật liệu từ giữa tháng 4, áp dụng cho đơn hàng giao từ đầu tháng 5. Như cửa nhôm, anh Hùng – một nhà thầu xây dựng ngụ TP Thủ Đức – cho hay nhà cung cấp cửa nhôm, sơn tường đã báo giá nguyên liệu tăng liên tục từ đầu năm, giờ họ không gồng được nữa nên buộc phải điều chỉnh giá bán. Dự kiến giá cửa nhôm tăng giá bán lẻ từ 80.000 – 150.000 đồng/m2 so với mức báo giá cũ từ năm 2020.
Giá nhiều loại nông sản tăng
Tại các chợ, giá một số mặt hàng rau, củ neo cao và có xu hướng tăng so với tháng trước như khoai tây Đà Lạt 20.000 – 26.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 28.000 – 36.000 đồng/kg tùy loại và tùy thời điểm, tỏi Hà Nội 65.000 – 75.000 đồng/kg, bông cải trắng Trung Quốc 40.000 – 45.000 đồng/kg. Đặc biệt, cải xanh lên 27.000 đồng/kg, xà lách 29.000 – 30.000 đồng/kg…, tăng khoảng 30 – 40% so với hơn một tháng trước.